Theo kế hoạch mới ban hành của Tổng cục Du lịch, toàn ngành sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng đề án du lịch số và chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng phát triển tới năm 2045.
Trước mắt, Tổng cục du lịch sẽ ưu tiên phát triển du lịch thông minh ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Huế.
Chuyển đổi số là yếu tố sống còn
Vừa qua, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã ký ban hành Quyết định số 274/QĐ-TCDL phê duyệt Kế hoạch triển khai Quyết định 2574/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Các Quyết định, Nghị quyết về chủ động tham gia cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 nêu trên đều nêu rõ giải pháp ưu tiên những ngành, lĩnh vực có khả năng sẵn sàng cao, trong đó có phát triển du lịch thông minh, du lịch số. Có thể thấy, du lịch đang được coi là một trong những mũi nhọn kinh tế chiến lược, được giao nhiệm vụ tiên phong trong việc chuyển đổi số, chủ động tiếp cận và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chuyển đổi số tác động đến thói quen du lịch của công dân thời đại mới (Nguồn: Internet)
Theo đó, toàn ngành sẽ tập trung phát triển du lịch thông minh trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới phục vụ tối ưu hiệu quả ngành du lịch như: Công nghệ và phương tiện mới giúp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; trang thiết bị chuyên dùng hiện đại cho cơ sở lưu trú du lịch hạng cao và khu du lịch quốc gia; công nghệ có khả năng giúp các cơ sở lưu trú du lịch tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và năng suất lao động.
Tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 vừa tổ chức ở Quảng Nam cuối tháng 11 vừa qua, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh việc cần làm giai đoạn này là hợp tác phát triển du lịch phải theo hướng tranh thủ lợi thế của công nghệ số một cách chuyên nghiệp, hiện đại. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của địa phương bằng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Du lịch Việt – Lộ trình phát triển mới
Kế hoạch về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà lãnh đạo Tổng cục Du lịch vừa ban hành nêu rõ việc xây dựng chính sách có tính đột phá trong phát triển du lịch thông minh, du lịch số, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai các chính sách, đáp ứng yêu cầu đồng bộ để phát triển du lịch thông minh, du lịch số trên phạm vi cả nước. Cùng với đó là xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch số, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đến năm 2045 thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch số.
Với lộ trình 25 năm, nhiệm vụ mà ngành du lịch Việt sẽ tập trung giải quyết là phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số du lịch Việt Nam; ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nâng cao trải nghiệm của khách du lịch; nâng cấp các kênh truyền thông trên nền tảng số của Tổng cục; xây dựng phần mềm phục vụ tổ chức hội nghị trực tuyến; phát triển các nền tảng số kết nối liên thông hệ thống thông tin phục vụ điều hành, quản lý nhà nước về du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp.
Sở quản lý du lịch địa phương khuyến khích các cơ sở lưu trú ứng dụng công nghệ thông minh trong quá trình vận hành (Nguồn: Internet)
Trước nhiệm vụ dài hạn, lãnh đạo Tổng cục Du lịch yêu cầu các đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện nhiệm vụ được giao; tập trung vào hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số đảm bảo đồng bộ với các kế hoạch khác đã ban hành; chủ động hợp tác, sử dụng nguồn lực hợp pháp ở trong và ngoài nước để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hạ tầng công nghệ thông tin của Tổng cục sẽ được xây dựng theo hướng kết hợp giữa mô hình tập trung và mô hình phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây, tối ưu hóa hạ tầng công nghệ thông tin theo khu vực nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả hạ tầng hiện có đồng thời tăng cường khả năng bảo mật, sao lưu, phòng chống thảm họa, bảo đảm vận hành ổn định, an toàn, an ninh của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu.
TP Hồ Chí Minh là một trong những điểm đến du lịch được ưu tiên tập trung trong quá trình chuyển đổi số (Nguồn: Internet)
Sở quản lý du lịch cấp địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích các khách sạn trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình vận hành… Viện Nghiên cứu phát triển du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý điểm đến thông minh – áp dụng cụ thể cho các thành phố lớn như Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Đề án Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý thông tin tích hợp phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch du lịch…
Như vậy, sau thời gian chờ đợi cuối cùng ngành du lịch Việt cũng đã có được lộ trình rõ ràng và tập trung cho công cuộc tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sớm đưa du lịch Việt Nam hoàn tất quá trình chuyển đổi sốvà mạnh mẽ bứt phá trên thị trường.
CRH News.