Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp quan trọng nhằm phát triển ngành du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch phát triển mạnh mẽ và hiện đại, tỉnh đã tập trung cho công tác phát triển các sản phẩm du lịch, đưa nhiều sản phẩm du lịch vào phục vụ du khách
Vẻ đẹp của Vịnh Bái tử Long
Đặc biệt, ngày 07/2/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND về phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2024. Trong đó yêu cầu tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị thiên nhiên con người, văn hóa Quảng Ninh, Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh. Trọng tâm mở rộng không gian du lịch tại khu vực vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô và một số đảo trên địa bàn tỉnh. Quan điểm của tỉnh trong xây dựng sản phẩm du lịch mới là tập trung phát triển sản phẩm đa dạng, độc đáo, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với tăng khả năng tiếp cận đa dạng các dòng khách, xây dựng thương hiệu điểm đến “Kỳ quan 4 mùa”.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Quảng Ninh đưa vào khai thác 62 sản phẩm mới phục vụ khách du lịch. Trong đó có 11 sản phẩm khai thác lợi thế khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Điển hình như: Một ngày làm ngư dân tại làng chài Vung Viêng, chèo đua thuyền rồng truyền thống trên vịnh Hạ Long, thư giãn tắm biển và tổ chức các dịch vụ bãi biển trên các bãi cát tự nhiên, du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới trên vịnh Hạ Long... Đặc biệt là các sản phẩm du lịch tham quan, lưu trú kết nối vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long đã nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp du lịch, nhân dân và du khách.
Mới đây nhất, cuối tháng 5/202, tỉnh đã đưa hải trình “Hành trình di sản” và du thuyền Grand Pioneers 2 ra mắt nhằm kết nối 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Đây cũng là sản phẩm du lịch đầu tiên kết nối 2 vùng vịnh nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh góp phần mở rộng không gian du lịch biển đảo của địa phương, giảm tải cho vùng lõi di sản vịnh Hạ Long. Đồng thời, đánh thức tiềm năng, phát huy xứng tầm giá trị vịnh Bái Tử Long. Tại cuộc họp về công tác phát triển các sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long ngày 6/6 mới đây, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đề xuất 10 sản phẩm dịch vụ, du lịch và Sở Du lịch Quảng Ninh cũng đã đề xuất 2 hành trình mới tham quan, du lịch trên vịnh Hạ Long, 6 hành trình mới kết nối vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long và riêng vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, Sở cũng đề xuất 6 hành trình tham quan, du lịch có tính định hướng trên địa bàn huyện Vân Đồn, Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Để các sản phẩm này sớm đi vào hoạt động, UBND tỉnh đã giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban quản lý vịnh Hạ Long, Sở Giao thông vận tải, UBND thành phố Cẩm Phả, UBND huyện Vân Đồn, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long tham mưu UBND tỉnh công bố hành trình tham quan, du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các hành trình kết nối vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long để phát triển các sản phẩm du lịch, mở rộng không gian du lịch, thu hút đầu tư. Đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm công bố đủ điều kiện hoạt động đổi với các hành trình tham quan, du lịch theo quy định; xây dựng phương án phát triển đội tàu vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long bảo đảm chất lượng và an toàn, không chạy theo số lượng.
Với việc phát triển sản phẩm du lịch vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan, văn hoá, phát huy giá trị của di sản. Từ đó, tiếp tục tạo sức hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước, hoàn thành mục tiêu đón 17 triệu lượt du khách với doanh thu 39.100 tỷ đồng trong năm 2024.